Phát triển y tế thông minh giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030

Đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT và chia sẻ, liên thông dữ liệu trong ngành y tế là yêu cầu tất yếu trong việc xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ các hoạt động y tế, hình thành nền y tế số, y tế thông minh.

Ngày 25/12 tại Ba Vì, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo định hướng chiến lược công nghệ thong tin y tế giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030 với chủ đề phát triển y tế thông minh. PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT-Bộ Y tế chủ trì Hội thảo, tham dự có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, một số Sở Y tế, bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và một số nhà cung cấp dịch vụ CNTT. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Cục CNTT, Bộ Y tế nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện kế hoạch và định hướng về CNTT y tế trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT-Bộ Y tế, cho biết việc xây dựng kế hoạch và định hướng chiến lược công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030 là rất cần thiết và có ý nghĩa, góp phần ứng dụng thành y tế số, y tế thông minh.

Trong xu thế chung, CNTT y tế được chú trọng phát triển. Đảng, nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển CNTT y tế như Quyết định số 2035/QĐ-BYT về các tiêu chuẩn ứng dụng CNTT Y tế; Gần đây là thông tư số 54/2017/TT-BYT ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, cập nhật tiêu chuẩn của quốc tế với 7 mức khác nhau tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các bệnh viện ứng dụng CNTT; Thông tư số 49/2017/TT-BYT với bước đột phá quy định về hoạt động y tế từ xa; và Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử, đây là nền tảng để chuyển đổi sang nền y tế số. Định hướng trong các năm tiếp theo cục sẽ xây dựng đề án phát triển y tế thông minh với 2 lộ trình về  y tế số và y tế thông minh. Từ đó, tập trung vào 3 trụ cốt chính gồm xây dựng 1 nền y tế có phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

PGS.TS Trần Quý Tường nhấn mạnh, giai đoạn 2019-2025, Cục Công nghệ thông tin sẽ tăng cường quản lý nhà nước về công nghệ thông tin y tế; xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về công nghệ thông tin y tế; ưu tiên xây dựng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế tài chính trong ứng dụng công nghệ thông tin y tế. Việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT và chia sẻ, liên thông dữ liệu trong ngành y tế là yêu cầu tất yếu trong việc xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ các hoạt động y tế, hình thành nền y tế số . Hội thảo này có 2 ý nghĩa lớn là bàn về định hướng chiến lược và nền tảng thúc đẩy CNTT y tế. tập trung trí tuệ cùng với cục xây dựng nên chiến lược để đáp ứng đúng, kịp thời nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của ngành về y tế thông minh, y tế số. Các chiến lược định hướng trong thời gian tới đáp ứng đủ 4 yêu cầu: tuân thủ đường lối chính sách pháp luật của nhà nước, cập nhật những thành tựu và xu hướng của quốc tế, cập nhật thực tiễn Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong hội thảo, ThS Phạm Thành Đạt, chuyên viên Cục CNTT-Bộ Y tế cho biết, thời gian phát triển CNTT vừa qua, ngành y tế vẫn còn tồn tại nhiều thực trạng cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Điển hình là tình trạng tuyến xã sử dụng quá nhiều phần mềm khác nhau trong quản lý trạm y tế gây khó khăn cho người sử dụng, đồng thời chất lượng của các phần mềm này chưa đáp ứng được toàn bộ các nghiệp vụ của trạm. Nhu cầu có một phần mềm quản lý trạm y tế xã với đầy đủ các chức năng đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của trạm, cung cấp được dữ liệu đúng, kịp thời lên các tuyến trên phục phục vụ thống kê y tế, các lĩnh vực khác nhau của ngành y tế đặt ra rất bức thiết.

Ngoài ra, các đơn vị trong ngành y tế triển khai các hệ thống riêng lẻ, không chia sẻ dữ liệu, còn có tình trang cát cữ dữ liệu dẫn tới việc tổng hợp dữ liệu phục vụ công tác thống kê, báo cáo và ra quyết định chính sách của bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn. Ngành y tế đã triển khai đầy đủ các phần mềm quản lý văn bản điều hành, thư điện tử, cổng thông tin điện tử tuy nhiên hiện nay tình trạng sử dụng giấy tờ vẫn còn nhiều, chưa triển khai được văn phòng điện tử trong hoạt động của Bộ Y tế. Chưa áp dụng được chữ ký số trong hoạt động ngành y tế. Hầu hết 100% bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện tuy nhiên nhiều bệnh viện chưa đáp ứng các tiêu chi mức cao theo thông tư 54 của Bộ Y tế, chưa quản lý được hồ sơ sức khỏe người dân. Công tác quản trị bệnh viện còn chưa được tin học hóa toàn diện. Các bệnh viện còn e ngại trong việc áp dụng các công nghệ thông minh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh… Do đó nhu cầu nhanh chóng hoàn thiện kho dữ liệu lớn và hệ thống thu thập dữ liệu chung phục vụ công tác thống kế, báo cáo, ra quyết định của Bộ Y tế đảm bảo Bộ chỉ có 1 cổng dữ liệu duy nhất phục vụ cho toàn bộ các hoạt động của Bộ. Đẩy mạnh việc triển khai hệ thống quản lý bệnh viện đáp ứng mức 5,6 và tiến tới mức 7 không giấy tờ với hạt nhân là hoàn thành bệnh án điện tử, điện tử hóa việc quản lý hồ sơ sức khỏe 95 triệu người dân Việt nam, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ thông minh trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, như các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán ung thư, công nghệ tế bào gốc, công nghệ robot, các công nghệ mô phỏng trong việc trợ giúp mổ cũng như giảng dạy trong lĩnh vực y tế.  … là quan trọng trong tình hình mới.

Định hướng chiến lược công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2019-2025 nhằm đạt mục tiêu ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi; đồng thời để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử, tiến tới y tế số. Đến năm 2021, hoàn thành cơ bản hạ tầng số của ngành y tế bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng pháp lý, hạ tầng nhân lực. Đến năm 2025, hoàn thiện hạ tầng số của ngành y tế, phát triển và ứng dụng các công nghệ thông minh phục vụ cho các các hoạt động của ngành y tế

Tầm nhìn đến 2030, các công nghệ thông minh được triển khai rộng rãi trong ngành y tế. Mạng thông tin y tế số quốc gia được triển khai vận hành thông suốt. Hoàn thiện Kho dữ liệu y tế quốc gia, đảm bảo dữ liệu y tế được thu thập đầy đủ, toàn vẹn, nhanh chóng, kịp thời. 100% dịch vụ công y tế được cung cấp trên môi trường mạng; 100% các đơn vị trong ngành y hoạt động trên môi trường mạng, không giấy tờ.

Kết thúc hội thảo, Cục CNTT đã thu nhận được những ý kiến quý báu, những định hướng quan trọng giúp xây dựng chiến lược công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030, nâng cao tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Nguồn: Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế, https://ehealth.gov.vn/?action=News&newsId=47145